Giáo dục sớm cho trẻ thông qua học và chơi

Rate this post

Chỉ cần đặt trẻ vào một môi trường năng động, có sự tương tác và có các phương pháp giáo dục sớm phù hợp thông qua các trò chơi, khả năng của trẻ sẽ tự động được khơi gợi, bộc lộ và phát huy.

NHƯ THẾ NÀO LÀ CÁCH GIÁO DỤC SỚM CHO TRẺ?

Giáo dục sớm không phải là truyền đạt kiến thức, dạy học theo cấp bậc, thúc ép trẻ học đọc, học viết, làm toán từ rất sớm. Đó là nhận thức sai lầm về giáo dục sớm, là khái niệm hẹp. Giáo dục sớm dạy trẻ kĩ năng phát triển bản thân, kĩ năng tự học suốt đời, khả năng giao tiếp, kĩ năng xã hội ngay từ khi còn rất nhỏ, khơi gợi trong trẻ sự đam mê, tò mò và óc phân tích. Qua đó ngôn ngữ, nhận thức, khả năng tư duy tiềm tàng của trẻ sẽ tự động phát triển một cách tự nhiên.

MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC SỚM

Chỉ cần đặt trẻ vào một môi trường năng động, có sự tương tác và có các phương pháp giáo dục sớm phù hợp thông qua các trò chơi, khả năng của trẻ sẽ tự động được khơi gợi, bộc lộ và phát huy. Đó là môi trường gia đình với sự giúp đỡ, yêu thương và gắn kết giữa cha mẹ và trẻ. Đó là môi trường tương tác với các trẻ khác bằng các trò chơi lành mạnh có chủ đích thông qua các phương pháp giáo dục sớm có nghiên cứu và phù hợp với tư duy, nhận thức và sự phát triển của trẻ. Nhờ đó, các tế bào thần kinh của trẻ trở nên liên kết chặt chẽ và làm tiền đề cho sự học hỏi, tư duy và sáng tạo.

NÃO BỘ VÀ GIÁO DỤC SỚM NÃO BỘ 0-6 TUỔI

Khi trẻ được sinh ra, não bộ của trẻ luôn tiếp nhận môi trường sống và học hỏi từng giây, từng phút. 0-3 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của não bộ. Từ 0 đến 2 tuổi não bộ của trẻ đã đạt 80% thể tích não, từ 2 đến 3 tuổi đạt đến 90%. Đến khi trẻ được 3 tuổi, não bộ sẽ bắt đầu phát triển chậm hơn và gần tương đương với não của người trưởng thành. 0-3 tuổi là giai đoạn sinh trưởng của đại não, gần như hoàn thiện về chức năng và liên kết như người lớn. Bộ não của bé có phát triển toàn diện hay không là do khoảng thời gian này. Và đây là khoảng thời gian dễ bộc lộ nhất những năng khiếu tiềm ẩn về 8 trí thông minh nói chung. Như vậy, việc giáo dục càng sớm sẽ kích thích chức năng não bộ phát triển nhanh hơn và tư duy sẽ hoàn thiện sớm hơn.

Hai Giáo sư người Thụy Điển là Hiding và Langhe đã thực nghiệm và rút ra kết luận: “Việc học tập ngay khi còn nhỏ không chỉ có tác dụng kích thích mà còn có khả năng làm thay đổi thành phần kết cấu của não bộ, làm cho các tế bào não phát triển phức tạp hơn lên, đồng thời tăng cường số lượng phân tử RNA trong tế bào não, từ đó có thể tạo ra những tế bào não có chất lượng cao, bồi dưỡng nên những con người thông minh vượt trội”.

KHẢ NĂNG TƯ DUY CỦA TRẺ TRONG GIAI ĐOẠN 0-3 TUỔI

Tất cả trẻ em, từ khi sinh ra đều có khả năng tiềm tàng vô hạn. Nếu từ khi sinh ra bộ não của trẻ không được tiếp thu đúng phương thức giáo dục, phát triển theo lẽ tự nhiên sẽ khiến khả năng đặc biệt của trẻ mất dần đi.

Theo các nghiên cứu khoa học, trẻ em trong 3 năm đầu đời có khả năng tư duy, học hỏi và thích nghi rất nhanh, cao gấp trăm, nghìn lần người lớn. Với trẻ nhỏ, không có khái niệm dễ và khó, chỉ có khái niệm thích và không thích. Cái gì trẻ thích thì được coi là dễ, cái gì trẻ không thích thì được coi là khó. Những đứa trẻ đều có khả năng tiếp thu một cách nhanh chóng, tốc độ mà dường như không cần đến bất kì sự nỗ lực hay cố gắng gì nhiều. Tốc độ ghi nhớ và xử lý thông tin của trẻ trong giai đoạn này là vô cùng lớn. Điều này đã được kiểm chứng trên hàng triệu, hàng triệu đứa trẻ và trên 180 quốc gia trên toàn thế giới.

CÁCH THỨC ÁP DỤNG GIÁO DỤC SỚM: KHÁM PHÁ, VUI CHƠI VÀ GIAO TIẾP LÀ CHÍNH

Tất cả kiến thức thông qua 3 tiêu chí: Khám phá- Vui chơi- Giao tiếp thì não bộ mới lưu nhận. Ngoài 3 tiêu chí trên thì não bộ không những không lưu nhận, mà thậm chí gây tổn hại đến phát triển bình thường của não bộ. Vì vậy, trọng tâm của Giáo dục sớm là làm phong phú đời sống tinh thần của trẻ, khơi gợi trí tò mò, khả năng khám phá thông qua các hoạt động vui chơi và rèn luyện cho trẻ khả năng giao tiếp, kĩ năng tương tác trong các môi trường trí tuệ, môi trường thẩm mỹ, môi trường vận động…phù hợp cho con trẻ.

GIÁO DỤC SỚM ĐEM LẠI CHO TRẺ NHỮNG TỐ CHẤT GÌ?

– Não linh hoạt, hai nửa bán cầu được mở rộng

– Có cơ thể khỏe mạnh, thích đùa vui vận động, khám phá

– Phát triển chỉ số thông minh ( IQ), chỉ số cảm xúc ( EQ), sáng tạo ( CQ)

– Phát triển nhận thức, tư duy ngôn ngữ, toán học, hình học

– Phát triển tình cảm xã hội, khả năng giao tiếp, kĩ năng tương tác

– Nuôi dưỡng tâm hồn và cảm quan nghệ thuật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *