STEAM là gì

Rate this post

STEAM là mô hình giáo dục chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, do đó, trẻ được tiếp cận mô hình giáo dục này có những ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic, hiệu suất học tập và làm việc vượt trội và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn.

STEAM viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Art (nghệ thuật) và Mathematics (toán học) là mô hình giáo dục được áp dụng đầu tiên tại Mỹ với đặc điểm cung cấp kiến thức toàn diện của năm lĩnh vực: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học. Điểm nổi bật của STEAM là kết nối, liên hệ thông tin giữa các lĩnh vực vào trong thực tế. Các thí nghiệm, hoạt động thực tiễn thường xuyên diễn ra để các em có thể thảo luận, tự rút ra kết luận và ghi nhớ sâu sắc. Chẳng hạn, trong giờ khoa học, để giải thích cho các em vì sao nước sông suối lại trong, giáo viên sẽ cho học sinh thử lọc nước chứa tạp chất bằng các vật liệu tự nhiên như đá, sỏi, cát và rút ra kết luận về tính chất, vai trò của mỗi thành phần.

STEAM là tích hợp

Rào cản lớn nhất trong các mô hình giáo dục truyền thống là sự tách rời giữa các lĩnh vực quan trọng: khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Sự tách rời này sẽ đem đến một khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực hành, giữa kiến thức và ứng dụng. Học sinh, sinh viên được đào tạo theo mô hình truyền thống sẽ mất một khoảng thời gian thực tế để hiểu được làm thế nào để cơ sở lý thuyết, nguyên lý chuyển thành các ứng dụng thực tế trong khi kiến thức đã bị mài mòn. Hơn nữa tư duy liên kết các sự vật, hiện tượng với các ứng dụng và kỹ thuật cũng rất hạn chế.

Giáo dục STEAM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Giáo dục STEAM sẽ phá đi khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc một cách sáng tạo.

STEAM – Mô hình giáo dục hiện đại

STEAM dựa trên lý thuyết giáo dục hiện đại, xem giáo viên là người hỗ trợ về học tập, không chỉ là người cung cấp kiến thức. Mô hình giáo dục này mang lại sự hứng khởi trong học tập nhưng vẫn đảm bảo việc nắm bắt kiến thức, giúp các em thật sự tương tác với môn học và học vì yêu thích, đồng thời kích thích sự tìm tòi khám phá. Mặt khác, việc đặt trẻ làm trung tâm sẽ giúp các em trở thành những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, những nhà cải tiến đầy sáng tạo. Mô hình giáo dục STEAM còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã là “kim chỉ nam” rất thịnh hành trong lĩnh vực giáo dục ở các quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật…

Năm 2009, Tổng thống Obama đã mở ra một trang mới trong lịch sử Nhà Trắng bằng việc tổ chức “Triển lãm Khoa học tại Nhà Trắng” nhằm tán dương những nhân tài trẻ tuổi đã giành được giải thưởng trong các lĩnh vực STEAM toàn quốc. Ông đã xác định giáo dục STEAM chính là xây dựng nền tảng cần thiết cho tương lai thịnh vượng của nước Mỹ sau này và đã tạo ra được những thay đổi rõ rệt từ đó đến nay.

Tổng thống Barack Obama cũng đã từng kêu gọi phát triển giáo dục STEAM nhằm giúp học sinh, sinh viên Mỹ vươn lên dẫn đầu bằng cách giúp các em có kiến thức sâu sắc và phát triển tư duy phân tích qua khoa học và toán học. Tổng thống cho biết, nhân rộng phương pháp giáo dục này chính là cách mang đến cơ hội cho học sinh, sinh viên từ bất kỳ xuất phát điểm nào . Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhờ cách làm việc nhóm, tự giác hợp tác với nhau giữa các học sinh trong các bài thực hành.

Đặc biệt, khác với một số mô hình giáo dục ít coi trọng yếu tố nghệ thuật (Arts), giáo dục STEAM của Mỹ lại không hề xem Arts là yếu tố “phụ”. Tại Mỹ, các môn âm nhạc, hội họa và nghệ thuật nói chung được xem là một phần quan trọng trong trường học. Bởi lẽ, chính yếu tố Nghệ thuật đã giúp học sinh phát triển tài năng tiềm ẩn, cân bằng cuộc sống và thể hiện chính mình.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật trên thế giới hiện nay thì nhu cầu việc làm liên quan đến STEAM ngày càng lớn đòi hỏi ngành giáo dục cũng phải có những sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Giáo dục STEAM có thể tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ mới có tác động lớn đến sự thay đổi nền kinh tế đổi mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *